1944-1945: Đồng Minh phản công Mặt trận phía Tây (Thế chiến thứ hai)

Vào tháng 02 năm 1943, chiến thắng của Hồng Quân ở trận Stalingrad đã gần như kết thúc số phận của Đức Quốc xã. Anh và Mỹ thì chỉ phải chiến đấu chống lại 3 sư đoàn Đức ở Bắc Phi. Tổng thống Mỹ Roosevelt ở hội nghị Tehran vào tháng 11 năm 1943 đã cam kết với Nguyên soái Stalin (Liên Xô) rằng một mặt trận thứ hai sẽ được mở. Thủ tướng Churchill (Anh) đã phản đối nhưng không có kết quả. Hoạch định cho việc đổ bộ lên Normandy trở thành ưu tiên. Vào lúc các Đồng Minh Phương Tây đổ bộ lên Pháp vào tháng 06 năm 1944 thì quân Đức đã chắc chắn sẽ bị Liên Xô đánh bại. Nếu Anh và Mỹ không đổ quân vào Pháp, thì Hồng Quân Liên Xô sẽ quét sạch quân Đức trên khắp châu Âu và tiến tới tận Paris, đây là điều Anh-Pháp không hề muốn xảy ra[6]

Trận Normandie

Bài chi tiết: Trận Normandie
Bản đồ các ngã hành quân của cuộc đổ bộ vào Normandie

Ngày 6 tháng 6 năm 1944 quân Đồng Minh mở Chiến dịch Overlord bắt đầu cuộc giải phóng nước Pháp. Trong khi bộ tư lệnh Đức dự báo quân Đồng Minh sẽ đổ bộ vào Pas-de-Calais, thì cuộc tấn công lại diễn ra tại Normandie. Sau hai tháng hành quân chậm chạp qua các khu đất đầy hàng rào, quân Mỹ tung chiến dịch Cobra đánh thủng được phía tây của tuyến phòng thủ Đức. Quân Đồng Minh thừa thắng tràn ra khắp lãnh thổ Pháp, bao vây 100.000 lính Đức tại Falaise. Tương tự như mặt trận phía đông, Hitler lại không cho phép rút quân cho đến khi quá trễ. Vì vậy mà 60.000 quân Đức bị bắt tù binh tại Falaise, chỉ có 40.000 trốn thoát được.

Quân Đồng Minh chia làm hai nhánh, Hoa Kỳ tiếp tục tấn công vào nam Pháp, Luxembourg và khu kỹ nghệ Ruhr của Đức; quân Anh-Canada tiến về phía đông bắc, vào Bỉ, Hà Lan và phía bắc nước Đức.

Giải phóng Pháp

Xem thêm thông tin: Giải phóng Paris
Giải phóng Paris

Ngày 15 tháng 8 quân Đồng Minh mở chiến dịch Dragoon, giải phóng lãnh thổ từ Toulon đến Cannes. Tập đoàn quân 7 (Hoa Kỳ) và Tập đoàn quân 1 (Pháp) nhanh chóng đánh bại quân Đức trong vòng 2 tuần lễ, tiến lên thung lũng Rhone. Quân Đức chỉnh đốn tàn quân, bám đất cầm cự một thời gian trong khu hiểm trở của dãy núi Vosges.

Quân Đức đang đóng giữ Pháp lúc này bị tấn công từ 3 mặt: phía bắc là Cụm tập đoàn quân 21 (Anh - do Bernard Montgomery chỉ huy), ở giữa là Cụm tập đoàn quân 12 (Hoa Kỳ - do Omar Bradley chỉ huy) và phía nam là Cụm tập đoàn quân 6 (Hoa Kỳ - do Jacob L. Devers chỉ huy). Đến giữa tháng 9 năm 1944, cả ba lực lượng này nằm dưới quyền của tổng tư lệnh Dwight D. Eisenhower (SHAEF: Supreme Headquarters, Allied Expeditionary Forces - Tổng tư lệnh tối cao, Lực lượng viễn chinh Đồng Minh)

Bị tấn công từ nhiều hướng, quân Đức phải rút lui. Ngày 19 tháng 8, lực lượng kháng chiến Pháp mở cuộc tổng tấn công và đến ngày 25 tháng 8 tiến vào giải phóng thủ đô Paris. Hitler ra lệnh cho tướng Đức Dietrich von Choltitz phải cầm cự cho đến cùng và nếu thấy gần thua phải đốt trụi thủ đô Paris. Nhưng Choltitz quyết định không nghe theo lệnh và ký giấy đầu hàng tướng Pháp Philippe Leclerc de Hauteclocque.

Thành công của cuộc giải phóng những vùng tây Âu làm dịu nỗi lo sợ của dân chúng ở London và đông nam Anh Quốc, vì Đức sẽ không còn chỗ để phóng các loại vũ khí Vergeltungswaffen (tên lửa V-1 và V-2) vào nước Anh được nữa.

Chiến dịch Market Garden

Bernard Montgomery đặt kế hoạch thả lính dù tấn công và chiếm đóng nhanh chóng các cầu băng ngang sông Meuse, hai nhánh chính và các kinh rạch thuộc sông Rhine. Theo kế hoạch dự tính sau khi các cầu được kiểm soát, lục quân Đồng Minh sẽ vượt mạng dưới sông Rhine, tấn công vào sườn của tuyến phòng thủ Siegfried và bao vây khu vực kỹ nghệ trọng yếu Ruhr của Đức. Tuy đạt được một vài thành công trong giai đoạn đầu, chiến dịch này cuối cùng thất bại.

Tấn công vùng Rhine

Quân Hoa Kỳ băng qua tuyến phòng thủ Siegfried Line tiến vào lãnh thổ Đức.

Quân Đồng Minh tiến đến tuyến phòng thủ Siegfried và từ tháng 9 bắt đầu cuộc hành quân đẫm máu qua khu rừng Hurtgen cố sức chọc thủng tường bảo vệ của Đức.

Hải cảng Antwerp rơi vào tay Sư đoàn 11 Thiết giáp của Anh ngày 4 tháng 9. Để sử dụng cảng này, quân Đồng Minh phải triệt hạ những căn cứ phòng thủ vững chắc của Đức cài đặt ngang dọc khu vực sông Scheldt. Cuộc tấn công (chiến dịch Switchback) đồn quân sự tại Breskens (bờ phía nam sông Scheldt, gần biên giới Hà Lan-Bỉ) gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Canada và Ba Lan. Sau đó là một chuỗi những trận đánh cam go để giành lại một bán đảo trên sông Scheldt và kết thúc khi vào tháng 11 lực lượng thủy quân lục chiến tấn công vào đảo Walcheren. Chiến thắng khu vực sông Scheldt là một thành quả lớn của quân đội Canada, mở đường cho tiếp vận qua cảng Antwerp, gần hơn các cảng ở khu Normandie.

Quân Đức bị bắt làm tù binh tại Aachen

Quân Hoa Kỳ tấn công thành phố Aachen của Đức vào tháng 10 năm 1944. Đây là lần đầu tiên trong cuộc thế chiến một thành phố lớn của Đức bị tấn công. Quân Đức cố cầm cự nhưng thua, với 5.000 binh sĩ chết và 5.600 bị bắt làm tù binh.

phía nam thành phố Ardennes, quân Hoa Kỳ tấn công và đánh bật quân Đức ra khỏi Lorraine. Nhưng sau đó gặp trở ngại khi kéo qua sông Moselle vì thiếu tiếp vận, thời tiết xấu trong khi quân Đức lại tăng cường lực lượng yểm trợ. Đồng Minh cũng gặp kháng cự mãnh liệt của quân Đức trong vùng núi Vosges.

Đến tháng 11 thì quân Đức kiệt sức và thua chạy liên tiếp tại nhiều nơi. Quân Đồng Minh tràn vào Belfort, Mulhouse, và Strasbourg, thiết lập căn cứ quân sự dọc sông Rhine. Quân Đức cầm cự giữ được một cầu lớn phía tây sông Rhine, tại Colmar.

Trận Ardennes: Đức phản công

Lính Mỹ trong tư thế tiếp chiến trong trận Ardennes

Sau khi rút khỏi Normandie, lực lượng quân đội Đức Quốc xã luôn tìm cơ hội phản công. Kế hoạch Wacht am Rhein ("Canh phòng sông Rhine") được đưa ra để tấn công Ardennes và lật ngược thế cờ đẩy quân lên chiếm lại phía bắc Antwerp, chia đôi lực lượng quân đội Hoa Kỳ và Anh. Cuộc tấn công Ardennes bắt đầu ngày 16 tháng 12, tiếng Anh gọi là Battle of the Bulge, vì lực lượng Đức đâm một mũi dùi sâu vào chiến tuyến của Đồng Minh, tạo một khối u trên bản đồ quân sự. Khu vực Ardennes lúc bấy giờ do Tập đoàn quân 1 Hoa Kỳ trấn giữ. Do thời tiết thuận lợi cho cuộc tấn công bất ngờ, quân Đức thành công trong giai đoạn đầu, tiến gần đến sông Meuse. Nhưng sau đó quân Đồng Minh đẩy lui được quân Đức về vị trí cũ ngày 15 tháng 1 năm 1945.

Quân Đức mở thêm cuộc phản công thứ nhì tại Alsace vào ngày 1 tháng 1 năm 1945, với mục đích lấy lại Strasbourg. Quân Đồng Minh đang phải chia quân cho bên trận Ardennes nên bị tổn thất nặng nề; nhưng sau 4 tuần tranh đấu cũng đánh bật được lực lượng quân Đức.

Chốt phòng thủ biên giới sau cùng của Đức tại Colmar sau đó cũng bị liên quãn Mỹ-Pháp hạ, mở đầu cho cuộc tấn công của quân Đồng Minh vào lãnh thổ Đức Quốc xã.

Bản đồ chiến trường Tây Âu tháng 12 năm 1944

Cuộc xâm chiếm vào Đức

Quân Mỹ trên chiến phà kéo sang sông Rhine.

Quân Đồng Minh dự tính tấn công gọng kìm ngày 8 tháng 2 năm 1945 với quân Canada mở Chiến dịch Veritable kéo sang từ khu vực Nijmegen Hà Lan cùng lúc với quân Hoa Kỳ trong Chiến dịch Grenade băng ngang sông Roer. Kế hoạch bị trì trệ vì quân Đức trước đó đã làm ngập lụt khu vực bằng cách phá đập nước thượng lưu. Tướng Đức Gerd von Rundstedt mưu tính bảo toàn lực lượng rút quân về mạng đông sông Rhine trong lúc quân Đồng Minh đang bị sa lầy. Nhưng Hitler ra lệnh buộc ông phải dậm chân tại chỗ và chờ quân Đồng Minh đến đánh.

Sau khi nước rút cạn, quân Hoa Kỳ kéo sang sông Roer ngày 23 tháng 2, các lượng Đồng Minh khác cũng cùng đổ tới. Quân của Rundstedt lâm thế kẹt trên bờ mạng tây và bị đánh tan tác với 290.000 binh sĩ bị bắt làm tù binh.

Tướng Hoa Kỳ Omar Bradley truy đuổi tàn quân Đức rút lui và chiếm được cầu Ludendorff tại Remagen trước khi quân Đức toan giật sập. Do đó tạo được tuyến giao thông ngang sông Rhine ngày 7 tháng 3. Tướng George S. Patton nhân cơ hội này tấn công vào Oppenheim phía nam của Mainz.

Ngày 23 tháng 3 quân Anh mở Chiến dịch Plunder tấn công vào ReesWesel. Ngày 26 tháng 3 quân Hoa Kỳ tiến đến MannheimWorms.

Quân Hoa Kỳ hành quân ngang tỉnh Waldenburg Đức, tháng 4 1945.

Sau khi vượt được sông Rhine, quân Anh tiến lên phía Hamburg, qua sông Elbe và kéo đến Đan Mạchbiển Baltic. Ngày 2 tháng 5 quân Anh - Canada chiếm Wismar trước khi quân Liên Xô kéo đến. Về phía nam, quân Hoa Kỳ bắt đầu chia hai ngã gọng kìm kéo vào khu kỹ nghệ Ruhr. Ngày 4 tháng 4 Cụm tập đoàn quân B của thống chế Đức Walther Model bị bao vây tại Ruhr và 300.000 quân Đức bị bắt làm tù binh ngày 18 tháng 4. Quân Hoa Kỳ tiếp tục tiến về sông Elbe. Trên đường tiến về phía đông nước Đức, quân Đồng Minh chạm phải nhiều cuộc phản kích kịch liệt của quân địch, gồm quân Đức chính quy và các nhóm phòng không, địa phương quân và đảng viên đảng Quốc xã vũ trang, tại Frankfurt am Main, Kassel, Magdeburg, Halle, và Leipzig. Bộ tư lệnh Đồng Minh quyết định dừng lại tại sông Elbe và chờ liên hệ được với quân Xô Viết vào cuối tháng 4.

Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ tiến sang đến tận Tiệp Khắc, vào phía đông khu vực Bavaria và phía bắc Áo. Tính đến ngày thắng trận, Cụm tập đoàn quân 12 Hoa Kỳ tại châu Âu bao gồm 4 tập đoàn quân (1, 3, 9 và 15) với hơn 1,3 triệu lính.

Đức Quốc xã tan rã

Quân Đức anh dũng cầm cự tại nhiều thành phố nhưng dần dần bị đập tan. Ngày 23 tháng 4 Himmler liên lạc với Đồng Minh để thương lượng đầu hàng nhưng không thành. Hitler tự tử ngày 30 tháng 4. Ngày 4 tháng 5 Montgomery nhận quân đầu hàng khắp mặt trận phía tây châu Âu (Bỉ, Hà Lan, bắc Đức (Hamburg, Hanover, Bremen) và Đan Mạch). Ngày 5 tháng 5 Cụm tập đoàn quân G của Đức đầu hàng tại Bavaria. Đại đô đốc Karl Dönitz tân tổng thống của Đức Quốc xã tuyên bố quân đội Đức đầu hàng và cuộc chiến tại châu Âu chấm dứt.

Vào lúc 2 giờ 41 phút sáng ngày 7 tháng 5 năm 1945, tại văn phòng tư lệnh Đồng Minh tại Rheims, tướng Đức Alfred Jodl ký giấy đầu hàng. Tướng Hoa Kỳ Eisenhower chấp nhận quân đội Đức đầu hàng vô điều kiện quân Đồng Minh. Tại Na Uy, tướng Franz Böhme cũng ký giấy đầu hàng. Ngày 8 tháng 5, thống chế Đức Wilhelm Keitel đến Karlshorst ký giấy đầu hàng tướng Liên Xô Zhukov, văn kiện đầu hàng này là bản sao của văn kiện tại Rheims với hai điều kiện riêng của Liên Xô thêm vào.[7]